Khai thông "ách tắc" trong cải cách hành chính
11:01 AM 23/04/2012 | Lượt xem: 5866 In bài viết |Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), coi đây là một trong bốn giải pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh CCHC hướng tới mục tiêu: “Xây dựng nền hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả”(1). Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ đầu tiên và hết sức quan trọng theo chúng tôi là phải khai thông được những "ách tắc" trong CCHC, mà trước hết là phải khắc phục những nhận thức lệch lạc, tiêu cực trong CCHC.
Hiện nay, một bộ phận lớn cán bộ, công chức vẫn còn khá mơ hồ, phiến diện hoặc đơn thuần nhận thức CCHC chỉ là việc "đơn giản hóa" thủ tục giấy tờ, văn bản(!). Đây là nhận thức chưa đầy đủ về nội dung của CCHC. Nhận thức này một phần do sức ỳ của tư tưởng cũ, nhưng chính là do công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác CCHC chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về CCHC thành nội dung giáo dục cụ thể, thiết thực ở đơn vị mình.
Chính vì thế, để nhận thức và thực hiện đầy đủ nội dung về CCHC, các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người nhận thức đầy đủ 5 nội dung trong CCHC: Cải cách thể chế; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Cải cách, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước. Trong đó, cần phân tích cho mọi đối tượng nhận thức rõ, cải cách thủ tục hành chính (văn bản, giấy tờ...) chỉ là một trong những nội dung của cải cách thể chế.
Cùng với việc thống nhất nhận thức về CCHC, cần tổ chức thực hiện tốt các khâu, các bước CCHC ở đơn vị mình. Thực hiện cải cách đồng bộ cả 5 nội dung, nhưng chú trọng, tập trung vào những lĩnh vực còn yếu, thiếu, những mặt còn tồn đọng về CCHC của cơ sở, đơn vị mình.
Đi đôi với nhận thức không đầy đủ về CCHC còn một "ách tắc" nữa, là một bộ phận không nhỏ tập thể, cá nhân vẫn còn lối tư duy CCHC theo kiểu "đợi" cấp trên chỉ đạo, "đợi" làm từ trên xuống. Trên chỉ đạo thì dưới mới tiến hành, trên làm xong thì dưới mới bắt đầu... Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị động, trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào cấp trên trong quá trình tiến hành CCHC.
Các cơ quan, đơn vị hành chính cấp cơ sở cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, cụ thể hóa thêm một bước các thủ tục hành chính. Cụ thể hóa ở đây không phải là làm rườm rà, tăng thêm các thủ tục, mà ngược lại làm tinh giản, cắt bỏ những thủ tục không cần thiết theo hướng "một cửa", mẫu hóa các văn bản hành chính, giấy tờ... bảo đảm tốt hơn việc phục vụ nhân dân và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Đối với lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần nêu cao tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định, chủ trương về CCHC ở cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt là việc chủ động định hướng, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn quy chế làm việc; công khai quyền lợi, trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu cơ quan, chế độ giải quyết công việc...
Một “ách tắc” nữa trong CCHC, đó là tình trạng không ít cán bộ, công chức tha hóa, biến chất cố tình gây cản trở việc thực hiện chủ trương công khai, minh bạch chính sách, thủ tục hành chính trước nhân dân và toàn xã hội, nhằm che mắt tổ chức và nhân dân, dễ bề trục lợi; lợi dụng kẽ hở trong thủ tục hành chính để dễ dàng thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng, vun vén cá nhân... Đây thật sự là trở ngại, thách thức lớn đối với công tác CCHC hiện nay.
Để hạn chế và từng bước khắc phục tình trạng đó, trước hết, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đấu tranh phê bình, tự phê bình, mở rộng dân chủ; loại bỏ khỏi tập thể những biểu hiện tư tưởng tiêu cực; đưa ra khỏi tổ chức những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất; đẩy mạnh xây dựng văn hóa công vụ, xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, công chức, làm cho họ thật sự là "công bộc", là "đầy tớ" của nhân dân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào vận hành bộ máy và thực hiện các thủ tục hành chính cũng là một biện pháp hết sức quan trọng nhằm hạn chế các biểu hiện “đục nước, béo cò” hiện nay.
Thực hiện chủ trương hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, mỗi cơ quan, đơn vị cần sớm nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hệ thống tiêu chuẩn, định mức về trang thiết bị, thiết kế mẫu công sở hành chính hiện đại; từng bước đưa hệ thống thông tin điện tử vào vận hành các dịch vụ cơ bản như thư điện tử, các phần mềm ứng dụng tin học hóa quản lý; từng bước nâng cao trình độ quản trị mạng của cán bộ, công chức tin học chuyên trách và kỹ năng sử dụng tin học của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung...
Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về CCHC, kết hợp với tổ chức có hiệu quả việc công khai, minh bạch các khâu, các bước, hình thức, thủ tục hành chính trước nhân dân...
CCHC Nhà nước vốn đã khó, lại thực hiện trong điều kiện đất nước còn nhiều hạn chế thì càng khó hơn, bởi vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng xã hội, của cả hệ thống chính trị; tiến hành đồng bộ, trong toàn hệ thống ở tất cả các cấp, các ngành, trong đó việc khai thông "ách tắc" trong CCHC là nhiệm vụ đầu tiên, tạo đà để công cuộc CCHC ở nước ta đạt mục tiêu như Nghị quyết XI của Đảng đã đề ra./.
Theo caicachhanhchinh.gov.vn
[TT: N.Q.K]