Xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn: Không chỉ là chuyện “con cá” và “cần câu”

01:16 AM 12/12/2011 |   Lượt xem: 4581 |   In bài viết | 

Theo số liệu điều tra của tỉnh Lạng Sơn, vào thời điểm cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm tới 29,07% (tương đương 44.000 hộ), tập trung ở 61 xã thuộc diện ĐBKK. Trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, vốn đầu tư cho miền núi chủ yếu trông chờ vào ngân sách... khiến cho suốt một thời gian dài triển khai các chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN), khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi ở Lạng Sơn chưa thu hẹp được.

Sau nhiều đợt khảo sát thực tế, cuối năm 2005, Lạng Sơn quyết định phải thay đổi phương pháp chỉ đạo, điều hành thông qua kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi cùng với nguồn lực của địa phương, tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng dự án, cuốn chiếu theo địa bàn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không đồng bộ, kéo dài thời gian, hạng mục sau vừa làm xong thì hạng mục trước đã hư hỏng, xuống cấp...

Theo đó, Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện XĐGN bằng cách phân công các thành viên trong cấp ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc ở từng cụm xã. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, cho mỗi đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện chương trình XĐGN theo “thế mạnh” của mình. Ví dụ Hội Phụ nữ phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông mở các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kết hợp với việc tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, giáo dục trẻ em cho chị em phụ nữ. Hội Nông dân tăng cường vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình, đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mùa vụ cơ cấu cây trồng. Uỷ ban MTTQ và các phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp tiền của, vật chất để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, giếng nước sạch, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát...

Ông Long Văn Noọng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, một xã có đến hơn 80% là hộ nghèo tâm đắc: “Trước đây, việc thăm hỏi, giúp đỡ cái ăn, cái mặc cho đồng bào chỉ tập trung vào dịp lễ, tết. Bây giờ, các cơ quan nhận đỡ đầu xã nghèo đã chủ động đi cơ sở để tìm hiểu nhu cầu của từng vùng, tặng bà con phương tiện sản xuất như cày, cuốc, giống cây, con thích hợp. Cán bộ còn trực tiếp hướng dẫn cho từng gia đình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...”. Còn ông Hoàng Văn Toàn, thôn Trung Thượng, xã Hoà Bình tâm sự: “Cho “con cá” hay “cái cần câu” mà không hướng dẫn bà con cách thức sử dụng thì chịu thua thôi. Trình độ nhận thức của chúng tôi còn hạn chế, không biết tổ chức sản xuất, nếu được chỉ dẫn cặn kẽ bà con có thể bắt chước làm theo”.

Có thể nói, cho đến nay, chương trình XĐGN của tỉnh Lạng Sơn đã đi vào chiều sâu và thu được kết quả khả quan với gần 18.000 hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đến nay (tiêu chí cũ) xuống còn 17,85%. Bộ mặt vùng nông thôn miền núi đã thay đổi rõ rệt. điện-đường-trường-trạm đều đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh.

Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá XIV vừa qua, HĐND tỉnh Lạng Sơn đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chương trình XĐGN trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng khó khăn; giảm bớt thủ tục hành chính tạo thuận lợn cho hộ nghèo vay vốn sản xuất. Đây cũng là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ánh Bình

Theo http://cema.gov.vn

Tin khác