Chăm lo nhiều hơn cho đồng bào dân tộc
01:15 AM 12/12/2011 | Lượt xem: 4367 In bài viết |Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua 4 Nghị quyết: Nghị quyết quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh năm 2011; Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về ban hành bổ sung một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Với sự đồng thuận, tín nhiệm cao QH đã bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Phó Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước, phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, quyết định cơ cấu tổ chức của QH và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Đảm bảo an sinh xã hội
Thảo luận về kinh tê-xã hội, ĐBQH cho rằng, việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực với mục tiêu chính là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, kết quả này mới là bước đầu, thách thức khó khăn trong những tháng cuối năm còn nặng nề.
ĐB Thào Hồng Sơn (Hà Giang) cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công cần khẩn trương rà soát, thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn, có hướng dẫn kịp thời đảm bảo tính linh hoạt, cương quyết; “Cần tính đến câu lạc bộ các tỉnh nghèo, huyện nghèo thuộc diện “nghèo con út, khó con út” vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố số liệu tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc năm 2010”. Theo chuẩn mới, cả nước có 4 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và 81 huyện nghèo thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 40 đến trên 50%, trong đó bao gồm 62 huyện nghèo nhất cả nước đang thụ hưởng Nghị quyết 30a (năm 2008). “Bản thân những vùng lõm này luôn trong trạng thái lúc nào cũng đói và khát vốn kể cả khi lạm phát cũng như thiểu phát. Việc xem xét điều chuyển cắt giảm vốn đầu tư công chưa thật sự cần thiết cấp bách của những dự án có vốn ngàn tỉ đồng ở một số lĩnh vực, tập trung đầu tư cho các dự án đang thi công dở dang nhiều năm nay, đang rất thiếu vốn để hoàn thành đưa vào sử dụng ở những tỉnh, huyện nghèo, huyện biên giới khó khăn là rất cần thiết” – ĐB Sơn đề nghị.
Nhìn vào đời sống người dân, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết: Người dân nông thôn, đồng bào DTTS đang rất khó khăn trong lao động sản xuất nông nghiệp, thường xuyên mất mùa, thiên tai, dịch bệnh. Chi phí đầu vào tăng (giá phân bón, thuốc trừ sâu, giá điện, xăng dầu tăng) làm tăng chi phí đầu tư. Khó khăn lắm người dân mới có được sản phẩm nông nghiệp, nhưng khi có thì lại bị mất giá. “Mong Chính phủ có chính sách đặc thù, đặc biệt hỗ trợ người dân ở các địa phương thu ngân sách thấp, đặc biệt đồng bào DTTS đang sống cư ngụ ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK nhưng chưa được hưởng chính sách 30a và những chính sách thuộc chương trình mục tiêu khác của Chính phủ” – ĐB Hương đề nghị.
Lo lắng tình trạng di cư
ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị, hiện nay Chương trình 135 giai đoạn II kết thúc, cử tri cả nước rất quan tâm 1.600 xã ĐBKK đã và đang chờ đợi cân đối giai đoạn tiếp theo của chương trình. Theo ông Cường, một số tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang tình trạng dân di cư tự do gia tăng do khó khăn, thiếu đất sản xuất và một số nguyên nhân khác. “Trong 5 năm, 2.500 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương (người Mông 1.660, người Dao 257 và còn lại là người Tày, người Nùng). Tại Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm gần 400 phụ nữ bỏ đi. Đây cũng là vấn đề an sinh xã hội cần đặt ra để có biện pháp giải quyết” - ông Cường nhấn mạnh.
ĐB Y Khút Niê (Đăk Lăk) cho rằng, Ngân hàng Chính sách là chỗ dựa đáng tin cậy cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân có điều kiện khó khăn rất khó được tiếp cận nguồn vốn bởi có nhiều lý do. Do đó, cần cải cách về thủ tục hành chính để hộ nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư, ưu đãi xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng cao, vùng đồng bào DTTS, vùng căn cứ cách mạng. Nhiều nơi đã được xây dựng thì những công trình đó cũng đang bị xuống cấp.
“Chính phủ cần có chính sách đối với đồng bào di cư tự do đến ở vùng Tây Nguyên, đặc biệt ở tỉnh Đăk Lăk. Đối với đồng bào di cư tự do hiện nay, các vấn đề khác liên quan như phá rừng, môi trường, an toàn giao thông và vấn đề xã hội cần quan tâm, trong đó còn tiềm ẩn những vấn đề về an ninh chính trị xã hội”- ĐB Y Khút Niê kiến nghị.
Theo http://cema.gov.vn